Thông tin doanh nghiệp
Từ xa xưa, hầu như nhà nào cũng nấu rượu cần để phục vụ trong gia đình, dòng họ chứ không bán ra ngoài. Tuy nhiên, qua thời gian, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại rượu, bia sản xuất công nghiệp nên nhiều người chuyển sang sử dụng các loại thức uống này. Nghề nấu rượu cần truyền thống của người Cơ Tu theo đó dần bị mai một.
Lớn lên tại thôn Phú Túc, ông Lê Văn Nghĩa chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của nghề nấu rượu cần truyền thống nên ông quyết tâm học lại nghề của cha ông để lại.
Năm 2013, ông Nghĩa cùng với 9 người trong thôn Phú Túc đi tập huấn ở Đắk Lắk về nghề nấu rượu cần. Sau đó, họ tổ chức thành một tổ hợp tác để cùng nhau khôi phục lại nghề truyền thống. Tuy nhiên, sau không biết bao nhiêu lần “”đổ đi làm lại””, tổ hợp tác đành gác lại “giấc mơ giữ nghề”, chỉ còn ông Nghĩa vẫn quyết tâm theo đuổi.
Gần 3 năm miệt mài làm đi làm lại để tìm ra công thức chế biến rượu cần, cuối cùng ông Nghĩa cũng thành công. “”Ché rượu thơm ngon, đậm đà bản sắc dân tộc Cơ Tu là sản phẩm của một quá trình dài đúc kết kinh nghiệm, tâm huyết, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến nấu, ủ rượu và bảo quản. Đặc biệt là công đoạn ủ men – công đoạn quan trọng và phức tạp nhất trong quá trình nấu rượu cần. Để làm ra được loại men lá ngon, còn phụ thuộc vào nguyên liệu, tâm lý của người làm. Nếu người trộn men có tâm trạng không vui, làm cho xong việc thì men sẽ dễ hỏng, ủ sẽ không thành công.””, ông Nghĩa chia sẻ.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm với nguyên liệu là sắn, gạo tẻ nhưng không đạt chuẩn, ông Lê Văn Nghĩa đã chọn phương pháp nấu rượu cần bằng nếp. Ông nhận ra rượu cần được nấu bằng nếp sẽ có hương vị rất ngon, bảo đảm dùng được ở mọi lứa tuổi.